I. Vị trí và yêu cầu chung của lắp ráp tổng thành

1. Vị trí của công tác lắp ráp

Lắp ráp là khâu cuối cùng của quá trình công nghệ. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sửa chữa xe và tổng thành .

Nội dung chủ yếu của công việc lắp ráp là tập hợp các chi tiết thành từng cụm rồi trên cơ sở các cụm và chi tiết rồi lắp thành tổng thành. Rồi từ các cụm tổng thành và chi tiết lại được lắp ráp thành xe hoàn chỉnh .

2. Yêu cầu chung của công tác lắp ráp tổng thành.

  • Đảm bảo cho từng cặp lắp ghép đúng độ dơ , độ chặt cho phép.
  • Đảm bảo độ chính xác về vị trí tương đối giữa các chi tiết , giữa các cụm máy , giữa các tổng thành theo yêu cầu thiết kế .
  • Đảm bảo chi tiết sạch sẽ , không có bụi cơ học .
  • Đảm bảo yêu cầu và độ kín khít , không bị rò rỉ dầu và hơi nước .
  • Đảm bảo cho các chi tiết không chịu ứng suất trước và sau khi kết thúc công việc lắp ráp .

II. Các phương pháp lắp ráp và lựa chọn

1. Các phương pháp lắp ráp.

Căn cứ vào việc lựa chọn dung sai và quá trình lắp ráp người ta chia lắp ráp tổng thành thành 5 phương pháp :

a. Phương pháp lắp lẫn hoàn toàn :

-Ở phương pháp này tất cả các chi tiết cùng loạt được tiêu chuẩn hoá. Một chi tiết bất kỳ nào trong đó đều có khả năng lắp vào cặp lắp ghép bất kỳ mà dung sai về khe hở (độ căng) và các yêu cầu kỹ thuật khác đều nằm trong phạm vi cho phép.

-Với phương pháp lắp lẫn hoàn toàn này nó làm đơn giản quá trình lắp ráp. Mặt khác phương pháp này có thể đạt năng suất cao, đòi hỏi trình độ công nghệ cao, dễ xác định mức lao động trong lắp ghép .

b. Phương pháp lắp lẫn không hoàn toàn :

-Là phương pháp cho phép mở rộng phạm vi dung sai của các khâu thành phần để dễ chế tạo nhưng khi lắp vào vẫn phải đảm bảo yêu cầu của khâu khép kín do thiết kế của khâu đề ra .

-Khi thực hiện phương pháp lắp lẫn không hoàn toàn này thường được áp dụng cho những cặp lắp ghép có độ chính xác cao nhưng lại có nhiều khâu thành phần .

c. Phương pháp lắp ráp chia nhóm chọn lắp:

-Là phương pháp có thể lắp lẫn trong một nhóm có giới hạn dung sai nhất định. Ở phương pháp này thì giới hạn dung sai của cặp lắp ghép sau khi lắp ghép xong sẽ bé hơn nhiều so với giới hạn dung sai cho phép :

dD = Dmax – Dmin = et – el .

trong đó :

Dmax , Dmin : Khe hở lớn nhất và nhỏ nhất của cặp lắp ghép .

et , el : Dung sai của trục và lỗ .

  • Khi thực hiện theo phương pháp chia nhóm chuẩn thì lắp ghép các chi tiết sẻ được chia làm nhiều nhóm (n nhóm) làm cho dung sai của cặp lắp ghép sẻ nhỏ đi (n lần) là : dD/ n.

d. Phương pháp lắp ráp dùng vật đệm:

-Ở phương pháp này dung sai lắp ghép cuối cùng của một chuỗi kích thước thường được đảm bảo bằng vật đệm, bu lông, chốt hay gián cao lệch tâm.

-Việc lắp ráp như vậy sẽ làm cho quá trình lắp ráp đơn giản đi , phạm vi dung sai không cần khắt khe, thuận tiện khi gia công. Sau một thời gian sử dụng các chi tiết có thể bị hao mòn, khe hở bị thay đổi thì người ta có thể tiến hành điều chỉnh lại bằng cách thay đổi chiều cao bu lông.

e. Phương pháp lắp ráp có sửa nguội:

Là phương pháp lắp ráp cho phép giảm bớt đi một lượng kim loại hay đổi một giá trị kích thước bất kỳ để khi lắp ghép đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Ở phương pháp này các chi tiết được sửa lắp từng cặp một nhằm đảm bảo một dung sai giới hạn bé nhất . Phương pháp này thường áp dụng để lắp ghép chi tiết yêu cầu độ chính xác cao.

-Việc áp dụng phương pháp lắp ráp này tốn nhiều lần sửa nguội (30 ¸ 45 (s)) . Người ta thường áp dụng phương pháp này để lắp ghép cặp chi tiết theo kích thước tự do và nó làm cho việc sửa lắp càng phổ biến.

2. Lựa chọn.

Như vậy căn cứ vào nội dung của các phương pháp lắp ghép trên và đặc điểm của tổng thành cần lắp ráp (Truyền lực chính trên ôtô) đó là:  Độ chính xác cao, nhiều chi tiết phức tạp, thao tác lắp ráp khó khăn .. cho nên ta không chọn riêng một phương pháp lắp riêng nào cả mà nó tổ hợp tất cả các phương pháp lắp ráp trên.

III. Các bước xây dựng quy trình công nghệ lắp ráp

1. Khái niệm.

Nội dung của quy trình công nghệ lắp ráp là xác định trình tự và phương pháp lắp ráp chi tiết để tạo thành sản phẩm thoả mãn các điều kiện kỹ thuật đề ra một cách kinh tế nhất .

Quá trình công nghệ lắp ráp cũng được chia thành nguyên công , bước nguyên công và động tác .

–  Nguyên công lắp ráp: Là một phần của quá trình công nghệ lắp ráp được hoàn thành đối với một bộ phận hay một sản phẩm tại một chỗ làm việc nhất định do một hay một nhóm công nhân thực hiện một cách liên tục.

–  Bước của nguyên công: Là một phần của nguyên công được quy định bởi sự cố định của dụng cụ lắp ráp.

–  Động tác: Là thao tác của một công nhân để thực hiện một công việc lắp ráp.

VD :    Lấy chi tiết lắp đưa vào vị trí lắp .

2. Nhóm và phân nhóm.

–  Nhóm chi tiết: Là một phần của sản phẩm có từ hai chi tiết trở nên có thể lắp với nhau và kiểm tra riêng, không phụ thuộc vào công tác tổng lắp.

Nhóm lắp ghép được đặc trưng bằng sự kết thúc của một phần lắp của sản phẩm trực tiếp tham gia vào tổng lắp .

–  Phân nhóm: Là một phần của nhóm và có phân ra phân nhóm cấp 1 , 2.

Phân nhóm cấp 1:  Là một phân nhóm lắp trực tiếp vào nhóm.

Phân nhóm cấp 2 :  Là một phân nhóm lắp vào phân nhóm cấp 1.

3. Các tài liệu ban đầu để thiết kế quy trình công nghệ lắp ráp.

Khi thiết kế quy trình công nghệ lắp ráp tổng thành thì cần có :

  • Bản vẽ lắp chung toàn sản phẩm hay bộ phận với đầy đủ yêu cầu kỹ thuật.
  • Bản thống kê chi tiết lắp của bộ phận hay tổng thành với đầy đủ số lượng, quy cách, chủng loại của chúng.

–   Thuyết minh về đặc tính sản phẩm, các yêu cầu về kỹ thuật nghiệm thu, những yêu cầu đặc biệt trong lắp ráp sử dụng.

–   Sản lượng và mức độ ổn định của sản phẩm .

–   Khả năng về thiết bị, đồ nghề, khả năng của xí nghiệp.

4. Các bước của quy trình công nghệ lắp ráp.

Để hình thành một quy trình công nghệ lắp ráp theo đúng yêu cầu và để đảm bảo độ chính xác trong quá trình lắp ráp ta phải tiến hành lắp ráp qua các bước sau :

– Nghiên cứu bản vẽ lắp của tổng thành để phân thành nhóm và phân nhóm lắp ghép .

– Nghiên cứu các điều kiện kỹ thuật khi lắp ráp của cụm chi tiết, của cặp chi tiết: độ dơ, độ găng.

–  Lựa chọn phương pháp lắp ráp để ứng dụng cho từng nhóm từng phân nhóm.

– Lập sơ đồ công nghệ lắp ráp :

  • Lập sơ đồ lắp ráp công nghệ theo nhóm.
  • Lập sơ đồ lắp ráp mở rộng nhóm biểu hiện trình tự lắp ráp từ chi tiết cơ sở của nhóm và trình tự lắp các chi tiết của nhóm vào chi tiết cơ sở và cuối cùng được nhóm hoàn chỉnh.
  • Lập sơ đồ quy tròn tổng thành trình tự lắp ráp của tổng thành đó từ chi tiết cơ bản của tổng thành theo một trình tự với các chi tiết bắt nối. Trong sơ đồ quy tròn tổng thành người ta quy định nhóm lắp ráp được đặt dưới, chi tiết đặt ở trên.
  • Lập sơ đồ công nghệ mở rộng tổng thành.
  • Tháo lắp tổng thành mẫu theo sơ đồ đã lập.
  • Lập phiếu công nghệ quy trình lắp ráp, thể hiện trình tự lắp ráp, giờ công lắp ghép, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp ghép, dụng cụ phục vụ lắp ghép và những thiết bị kiểm tra.

–   Thiết kế các dụng cụ phục vụ lắp ráp.

Bài viết trước đó Hệ thống máy móc