“Tiêu chuẩn là một tài liệu kỹ thuật do một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành nhằm đưa ra những nguyên tắc và hướng dẫn mang tính tự nguyện áp dụng về những đặc tính của sản phẩm, quá trình hoặc phương pháp” – Ts Steven.R.Wilson. “Tiêu chuẩn” là những tài liệu về kỹ thuật và quản lý kinh tế, kỹ thuật và môi trường mang tính thoả thuận, được chấp nhận một cách tự nguyện trên quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế. “Tiêu chuẩn hoá” là tập hợp các hoạt động về nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, phổ biến áp dụng tiêu chuẩn trong sản xuất và các tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường và quản lý kinh tế, kỹ thuật.
Tiêu chuẩn hoá và sự phát triển của công nghiệp cơ khí chế tạo
Nhiều tổ chức TCH quốc gia, các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế như ISO, IEC, ITU đã đưa vào tiêu chuẩn các thành tựu mới nhất về khoa học – công nghệ. Tiêu chuẩn sản phẩm với yêu cầu chất lượng cao đã thúc đẩy sự đổi mới công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn về quá trình hoặc quản lý (ví dụ: ISO 9000 về hệ thống đảm bảo chất lượng, ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường, GMP và HACCP về hệ thống đảm bảo chất lượng thực phẩm…) Tiêu chuẩn hoá là cơ sở để phát triển, mở rộng mạng lưới.Các hệ thống thông tin phải có khả năng mở rộng về dung lượng, năng lực cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ và khả năng kết nối mạng.Trên cơ sở tiêu chuẩn để lựa chọn các hệ thống thông tin đường trục tốc độ cao làm tiền đề để xây dựng xa lộ thông tin đáp ứng cho việc mở rộng nhanh mạng lưới và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ.
Như vậy tiêu chuẩn không những làm thước đo chất lượng sản phẩm mà còn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển sản xuất, hiện đại hoá các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo thiết bị của Việt Nam. So với các ngành công nghiệp khác, vai trò của TCH đối với ngành cơ khí chế tạo máy đã thể hiện khác rõ nét hơn. Ví dụ: bulông, đai ốc có cùng kích thước lại không lắp lẫn được với nhau, xích xe đạp được chế tạo tại Trung Quốc hoặc Nhật Bản lại không lắp được với các xe đạp chế tạo tại Việt Nam hoặc đầu máy xe lửa chế tạo tại Ấn Độ lại không chạy được trên đường sắt của Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.
TCH chỉ thực sự phát triển cùng với cuộc cách mạng cơ khí. Trong số 13000 tiêu chuẩn ISO đã có trên 4000 tiêu chuẩn về cơ khí hoặc liên quan đến cơ khí, chiếm khoảng 25%. Trong số khoảng 6000 TCVN được ban hành thì đã có khoảng 2000 tiêu chuẩn về cơ khí, chiếm gần 1/3. Trên 500 tiêu chuẩn ngành và nhiều tiêu chuẩn cơ sở liên quan đến cơ khí.Tiêu chuẩn là thước đo chất lượng sản phẩm, là yếu tố thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hoá ngành công nghiệp cơ khí – chế tạo thiết bị.
Lợi ích của TCH đối với chế tạo các chi tiết máy và máy: Thống nhất hoá được nhiều chi tiết, bộ phận trong sản xuất các sản phẩm cơ khí; – Giảm được số lượng các kiểu loại; Nâng cao chất lượng sản phẩm; Nâng cao năng suất lao động; Đáp ứng tốt yêu cầu lắp ráp, sửa chữa, thay thế phụ tùng trong ngành chế tạo máy.
TCH là tiền đề không thể thiếu được cho sản xuất hàng loạt lớn nhằm tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ và có chất lượng cạnh tranh. Công nghiệp thế giới đã bước qua thời kỳ cơ khí hoá, tự động hoá trên nền tảng truyền dẫn cơ khí và đang ở giai đoạn phát triển cao của tự động hoá cơ – điện (mechatronics). Các máy móc, thiết bị hoặc dây chuyền thiết bị được cấu thành từ các môdun. Sự tương hợp giữa các hệ truyền động cơ khí – Thủy lực – Điện – Điện tử, giữa các môdun đòi hỏi phải có TCH, và sự hài hoà của các tiêu chuẩn quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực sẽ đáp ứng rất tốt yêu cầu trên.
TCH trước đây chỉ áp dụng phần nhiều cho các chi tiết, cụm chi tiết nhỏ lẻ và một số thiết bị máy móc công nghiệp cơ khí truyền thống (VD: các máy gia công kim loại bằng cắt gọt, máy động lực, các phương tiện cơ giới giao thông đường bộ, các máy móc thiết bị điện…) Hiện nay, tác động của TCH trong ngành Cơ khí Chế tạo không còn bó hẹp như trên nữa, tác dụng và lợi ích của nó đã mang hiệu quả và ý nghĩa kinh tế không nhỏ. Một ví dụ đơn giản tác dụng của tiêu chuẩn hoá trong khâu tư vấn, tính toán và thiết kế các hệ thống thiết bị cơ khí, có thể đơn giản và giảm bớt từ 10 đến 15% khối lượng công việc do sử dụng các chi tiết và cụm chi tiết được tiêu chuẩn, được thống nhất. Trong công nghiệp chế tạo cơ khí, quá trình lắp ráp và đặc biệt việc thay thế sửa chữa các phụ tùng cơ khí đòi hỏi sử dụng tiêu chuẩn, không thể thiếu tiêu chuẩn và thực hiện công tác tiêu chuẩn hoá khá cao, hiệu quả mang lại có ý nghĩa kinh tế tốt.
Từ năm 2005 đến 2006, Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện một số dự án: “Tư vấn và thiết kế công trình cơ khí thuỷ công thuộc các công trình thuỷ điện vừa có công suất từ 50 đến 100 MW, kinh phí mỗi dự án lên đến nhiều chục tỷ đồng. Như vậy với mỗi công trình tác dụng của công tác tiêu chuẩn hoá tiết kiệm được nhiều tỷ đồng.
Đầu năm 2007, Viện NCCK được Nhà nước giao Tổng thầu cùng Tổng công ty lắp máy Việt Nam LILAMA thực hiện dự án nội địa hoá các thiết bị trong nhà máy xi măng lò quay công suất 1,4 đến 2 triệu tấn/năm, nhiệt điện than từ 300 đến 600MW, giảm nhập ngoại, làm chủ thiết bị công nghệ. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho tư vấn và thiết kế các công việc trên lên đến tương ứng 50 tỷ và 200 tỷ VNĐ. Trong tổng kinh phí này, các vấn đề tiêu chuẩn và công tác TCH cũng đã góp phần không nhỏ cho dự án thắng lợi, mức chi không dưới 10 tỷ VNĐ. Ngoài ra, áp dụng các tiêu chuẩn cơ khí trong việc thẩm định đánh giá chất lượng các sản phẩm cơ khí, các công trình công nghiệp cơ khí.
(theo TCVN.net)